Theo chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ – Fed, quá trình cắt giảm dần kích thích kinh tế và sẽ kết thúc vào khoảng giữa năm 2022. Các thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng rất lớn khi Fed bắt đầu quá trình tăng lãi suất.
Fed phát đi tín hiệu tăng lãi suất
Trong cuộc họp mới kết thúc, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn gần bằng 0. Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu thắt chặt chương trình mua tài sản từ cuối năm nay. Các đợt tăng lãi suất dự kiến đến sớm hơn và đồng thời cắt giảm đáng kể triển vọng kinh tế năm nay.
Ông Powell cũng để ngỏ khả năng Fed sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần thiết .
Các quan chức trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang hoạch định chính sách cho thấy, họ sẽ bắt đầu rút lại một số biện pháp kích thích mà Ngân hàng Trung ương đã cung cấp trong cuộc khủng hoảng tài chính. Không có dấu hiệu cụ thể về thời điểm nào sẽ xảy ra.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Ủy ban đã sẵn sàng hoạt động. Ông nói: “Mặc dù không có quyết định nào được đưa ra, nhưng những người tham gia nhìn chung cho rằng miễn là sự phục hồi vẫn đang đi đúng hướng. Một quá trình cắt giảm dần dần và kết thúc vào khoảng giữa năm sau là có thể phù hợp. Hiện tại, Ủy ban đã bỏ phiếu nhất trí để giữ cho lãi suất ngắn hạn được neo gần bằng 0”.
Trước đó, hồi tháng 6, khi các thành viên đưa ra dự báo kinh tế lần cuối cùng, một phần lớn đã đặt mức tăng này vào năm 2023. Nhưng ngày càng có nhiều thành viên nhận định đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ xảy ra vào năm 2022.
Những con số thống kê kinh tế
Có một số thay đổi đáng kể trong dự báo kinh tế của Fed, với triển vọng tăng trưởng giảm và kỳ vọng lạm phát cao hơn. Ủy ban hiện nhận thấy GDP chỉ tăng 5,9% trong năm nay, so với mức dự báo 7% vào tháng 6. Trong khi, tăng trưởng năm 2022 hiện được đặt ở mức 3,8%, và 2,5% vào năm 2023.
Các dự báo cũng báo hiệu rằng, các thành viên FOMC thấy lạm phát mạnh hơn so với dự báo trong tháng 6. Lạm phát cơ bản được dự báo sẽ tăng 3,7% trong năm nay, so với mức dự báo 3% lần cuối cùng các thành viên đưa ra kỳ vọng của họ. Các quan chức sau đó dự đoán lạm phát ở mức 2,3% vào năm 2022, so với dự báo trước đó là 2,1% và 2,2% vào năm 2023.
Với lương thực và năng lượng, các quan chức kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức 4,2% trong năm nay, tăng từ mức 3,4% trong tháng 6. Hai năm tiếp theo dự kiến sẽ giảm trở lại 2,2%, ít thay đổi so với triển vọng trước đó.
Riêng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp lại bi quan hơn một chút, với tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay là 4,8%, từ mức 5,2% hiện tại và ước tính tháng 6 là 4,5%. Điều đó xảy ra sau một báo cáo bảng lương tháng 8 cho thấy tăng trưởng việc làm chỉ đạt 235.000 người.
Các nhà kinh tế tại Bloomberg cho rằng, một bản điều chỉnh tăng nhỏ đối với lạm phát năm 2022 cho thấy, Fed đang giữ nguyên giả thuyết“ tạm thời ”và kỳ vọng áp lực giá sẽ hội tụ gần hơn với mục tiêu trong năm tới. Tuy nhiên, sự thay đổi cho thấy hiện tại, mối quan tâm về sự ổn định giá mới là tâm điểm chú ý nhiều hơn đối với FOMC..
Thị trường chứng khoán, bất động sản có vẻ sẽ bắt đầu xuất hiện tín hiệu sớm điều chỉnh vào năm 2022. Vàng và Bitcoin cũng sẽ chịu áp lực giảm giá khi lãi suất tăng.
Fed đang phải đối mặt với bối cảnh phức tạp sau khi đại dịch COVID-19 làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ. Các hoạt động kinh doanh đã phục hồi khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh mẽ. Lượng tiền được hỗ trợ bởi các gói kích thích của Chính phủ bắt đầu tràn ngập khắp thị trường.
Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại và nhiều người lớn từ chối tiêm phòng, ngăn cản cuộc sống trở lại bình thường. Các mối đe dọa từ bên ngoài cũng xuất hiện, bao gồm cả những địa chấn trên thị trường bất động sản Trung Quốc bắt nguồn từ “bom nợ” tỷ đô Evergrande…
Sự kiện Taper 2013
Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Fed đã giảm dần lãi suất mục tiêu (Fed fund target rate) về cận 0%, đi kèm bơm tiền vào lưu thông qua các chương trình mua vào trái phiếu kho bạc quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cho đến tháng 5/2013, Chủ tịch Fed Ben Bernanke bày tỏ lập trường về việc giảm dần quy mô các gói mua trái phiếu khi nền kinh tế có những dấu hiệu tăng trưởng tốt.
Bước đi của Fed ví như một cú sốc, đẩy thị trường tới sự kiện Taper Tantrum với kỳ vọng rằng, cơ quan này sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn trong tương lai, bao gồm việc tăng trở lại lãi suất sau thời gian dài ưu đãi lãi suất cho cả nền kinh tế trong cơn suy thoái hậu khủng hoảng.
Thị trường trái phiếu kho bạc ngay lập tức định giá thông tin, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài liên tục tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng trong tương lai. Việc giảm dần bơm tiền thông qua chương trình mua trái phiếu cũng gây ra những lo ngại về thanh khoản thị trường liên ngân hàng, tăng áp lực bán trên thị trường trái phiếu kho bạc, đẩy lợi suất tăng.
Đây là một rủi ro lớn tới các thị trường mới nổi (Emerging Markets – EM) vì lãi suất USD tăng gây áp lực bán tháo đồng tiền của các EM với nền tảng vĩ mô thiếu ổn định.
Sự hỗn loạn trên thị trường ngoại hối dẫn tới đà rút vốn khỏi khu vực EM, cộng hưởng từ triển vọng lạc quan từ kinh tế Mỹ sẽ càng chi phối dòng vốn tại khu vực này, khiến áp lực rút vốn căng thẳng hơn tại các nước EM.
Tỷ giá và thị trường chứng khoán của các nước EM là hai biến số thể hiện rõ nhất tác động của sự kiện Taper Tantrum.
Sự kiện Taper Tantrum đã tàn phá thị trường chứng khoán khu vực EM. Đà tăng chứng khoán từ đầu năm 2013 đã bị xóa sổ ở nhiều nơi như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico…
Tổng hợp